Tìm kiếm

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Trại giam Cái Tàu (Cà Mau):"Ngài giám thị" biến trại giam thành…"con nợ"

"Xí phần" đất công lên tới... 14.000m2
Khi tỉnh Cà Mau chưa được tách ra, năm 1995, UBND tỉnh Minh Hải ban hành quyết định thu hồi đất của Xí nghiệp Dược phẩm tại xã Khánh An để giao 350ha đất cho Trại giam Cái Tàu thuộc Công an tỉnh Minh Hải. Sau đó, Trại giam Cái Tàu được chuyển cho Cục V26 thuộc Bộ Công an quản lý. Khi ấy, ông Trần Hoàng Thọ giữ chức giám thị Trại giam Cái Tàu.
Làm giám thị trại giam được một thời gian, người dân U Minh luôn tôn sùng ông bởi họ cho rằng ông Hai Thọ đã làm thay da đổi thịt vùng đất trũng phèn. Tuy nhiên, sau hơn chục năm nắm quyền ở đây, ông Thọ đã bị tố cáo để xảy ra nhiều sai phạm nên tháng 8/2007, Bộ Công an đã ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra xác minh sự việc.
Mới đây, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Thứ trưởng Bộ Công an - đã chính thức ký kết luận thanh tra xung quanh tiêu cực của ông Trần Hoàng Thọ với hàng loạt sai phạm.

Theo kết luận, tháng 11/1998, ông Thọ chỉ đạo cho Huỳnh Tố A - Phó giám thị Trại giam Cái Tàu - ký biên bản bàn giao 70ha đất cho Trung tâm Giáo dục Lao động và xã hội tỉnh Cà Mau và 3ha để Lâm Ngư trường công ích U Minh 3 xây dựng trụ sở làm việc. Qua thanh tra đã phát hiện khi tiến hành bàn giao đất cho Lâm Ngư trường công ích U Minh 3, ông Thọ đã để lại một phần đất giáp với cơ quan để làm nhà ở.

Tháng 4/2006, ông Thọ làm thủ tục đề nghị UBND huyện U Minh (Cà Mau) cấp cho ông hơn 14.000m2 đất được “xí phần”. Tháng 5/2006, UBND huyện U Minh đã ký quyết định số 201/QĐ-UBND “sổ đỏ” cho ông Thọ với diện tích 14.311m2, trong đó có 300m2 đất thổ cư và 14.011m2 đất vườn. Khi cầm được “sổ đỏ” trong tay, “ngài giám thị” đã cho xe ủi đất, cất nhà trên khu đất thuộc đất an ninh quốc phòng.



Đoàn Thanh tra của Bộ Công an đề nghị ông Thọ phải trả lại toàn bộ diện tích trên. Thanh tra Bộ Công an cũng khẳng định rằng việc cấp đất cho hai đơn vị là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau nhưng ông Trần Hoàng Thọ không báo cáo với Cục V26 và cố ý để lại hơn 14.000m2 đất là sai quy định. Do đó, UBND huyện U Minh đã ra quyết định hủy “sổ đỏ” đã cấp sai quy định cho “người hùng” Hai Thọ. Những “khuyết điểm” này đã bị Thanh tra Bộ Công an phát hiện nhưng “ngài giám thị” vẫn ung dung về hưu ở tuổi 62 mà không bị một quyết định kỷ luật nào?



Rút quỹ tiền tỷ cho tư lợi cá nhân




Ngoài việc “xí” đất quốc phòng để dưỡng già, ông Thọ còn có biểu hiện tư lợi cá nhân. Theo quy định, việc bán hàng trong căng tin của đơn vị phải giao cho phân trại tự quản lý thực hiện bởi hàng tháng căng tin thu lợi số tiền khá lớn. Với chức trách giám thị trại giam, ông Thọ cho vợ là bà Nguyễn Thị Cần và con là Trần Hoàng Phong tham gia bán hàng.



Để tạo thu nhập cho trại giam, Cục V26 thống nhất cho nơi đây nuôi tôm thiên nhiên để tăng nguồn thu nhập. Có lần khi thu hoạch tôm, ông Thọ dẫn vợ đi cùng lấy 2 thùng tôm (25-30kg/thùng - 3 triệu/thùng) của đơn vị về nhà sử dụng.



Đặc biệt, từ năm 1996 đến năm 2000, ông Thọ biến trại tạm giam thành… "con nợ" của vợ ông. Do quản lý vô nguyên tắc, ông Thọ chỉ đạo bộ phận hậu cần vay tiền của nhiều người nhưng không báo cáo với Cục V26, trong đó có vay của… vợ ông là bà Nguyễn Thị Cần. Khi đoàn thanh tra làm việc, ông Thọ không giải trình được vay tiền sử dụng vào việc gì, thanh toán ra sao.

Không chỉ vậy, khi Đoàn Thanh tra Bộ Công an làm việc còn phát hiện từ tháng 1/2002 đến tháng 11/2003, ông Thọ chỉ đạo cho bộ phận kế toán 7 lần rút tiền chi cho vợ, con với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Qua các chứng từ kế toán cũng không thể hiện rõ tiền chi cho vợ, con ông vào việc gì. Đến nay mặc dù đoàn thanh tra đã phát hiện nhưng ông Thọ vẫn chưa khắc phục. Ngoài ra, trước khi nghỉ hưu, ông Thọ còn “hô biến” chiếc bồn Inox, máy phát điện, bàn, tủ của đơn vị về nhà riêng và chỉ đạo cấp dưới thanh lý 2 máy cày, 1 máy xới trị giá 60 triệu đồng nhưng không nộp quỹ. Trong kết luận của Bộ Công an do Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn ký đã đề nghị lãnh đạo Cục V26 làm rõ và kiểm điểm trách nhiệm của ông Trần Hoàng Thọ cùng các cán bộ có liên quan. Đồng thời nhanh chóng thu hồi triệt để số tiền ông Thọ rút của đơn vị gửi cho vợ con và đề xuất hình thức kỷ luật cán bộ sai phạm theo quy định.




Mashable!

Bổ sung Phụ lục 10 cho Quyết định 1420/2004/QĐ-BTM về CO mẫu D

Ngày 24/10/2007, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 007/2007/QĐ-BCT bổ sung Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM ngày 04 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo “Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA)". Quyết định này bổ sung Phụ lục 10 cho Quyết định 1420/2004/QĐ-BTM và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức toạ đàm đóng góp ý kiến sửa đổi Luật SHTT

Ngày 12/4/2008, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) và Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) đã phối hợp tổ chức toạ đàm với chủ đề: đóng góp ý kiến về việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và một số vấn đề liên quan đến nhãn hiệu.



Tham gia Đoàn chủ tịch gồm có : TS. An Khang,Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam,Ông Trần Việt Hùng,Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Ông Đỗ Thượng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam,Chủ tịch Chi hội các đại diện sở hữu trí tuệ, Ông Lê Xuân Thảo,Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia Việt Nam,Chủ tịch Công ty sở hữu trí tuệ INVENCO.

Ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Cục Sở hữu trí tuệ cùng tham dự.

Đây là một hình thức sinh hoạt thường kỳ được tổ chức hàng năm với sự tham gia tích cực của các hội viên thuộc Chi hội các đại diện sở hữu trí tuệ với nhiều nội dung bổ ích và thiết thực nhằm tăng cường phối hợp hoạt động giữa VIPA và NOIP.

Phát biểu tại buổi toạ đàm,Ông Trần Việt Hùng,Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề buổi toạ đàm năm nay nhằm đề xuất những nội dung cần thiết và cấp bách có liên quan đến việc sửa đổi và điều chỉnh lại một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Buổi toạ đàm là cơ hội tốt để trao đổi và thu thập ý kiến của các Hội viên Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam liên quan đến chủ đề này nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Ông Lê Xuân Thảo đã trình bày tham luận tập trung vào một số nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ cần được sửa đổi và điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các ý kiến phát biểu tại buổi toạ đàm đều nhất trí cho rằng sự cần thiết và tính cấp bách phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ,đặc biệt là điều chỉnh lại một số quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

TS. An Khang,Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam ( thứ hai từ phải sang)

Ông Trần Việt Hùng,Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (thứ hai từ trái sang)

Ông Đỗ Thượng Ngãi,Phó Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam (thứ nhất từ trái sang)

Ông Lê Xuân Thảo,Chủ tịch Công ty SHTT INVENCO (thứ nhất từ phải sang)

Các đại biểu tham dự toạ đàm

Lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật thi hành án dân sự

Trên cơ sở Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội Khoá XII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XII (2007-2011) và năm 2008, Dự án Luật thi hành án dân sự được đưa vào chương trình chính thức của năm 2008 với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2008) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2008). Triển khai Nghị quyết trên, ngày 31/01/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 569/2008/UBTVQH 12 về việc thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng Ban.

Dự thảo Luật thi hành án dân sự có 9 chương, 207 điều quy định về hoạt động đưa các bản án, quyết định của Toà án và các cơ quan có thẩm quyền ra để thi hành, quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực thi trong thực tế, do đó, liên quan trực tiếp đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Để các quy định của Luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn sau khi được ban hành, Bộ Tư pháp xin giới thiệu và đăng toàn văn Dự thảo Luật thi hành án dân sự trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (Mục Lấy ý kiến về Dự thảo VBQPPL) để lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức

Lấy ý kiến Dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007 - 2011) và năm 2008 và được sự phân công của Thủ tướng, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) gồm đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và một số chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực luật quốc tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban. Trong thời gian qua, Ban soạn thảo đã khẩn trương tiến hành xây dựng Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).

Bộ Tư pháp xin trân trọng đăng toàn văn Dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (Mục Lấy ý kiến về Dự thảo VBQPPL) để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức.

Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm

Thực hiện Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007 - 2011) và năm 2008, được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong thời gian qua, Ban soạn thảo đã khẩn trương chỉ đạo và tổ chức việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bộ Tư pháp xin giới thiệu: Toàn văn dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp và nội dung cơ bản của dự thảo để lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức.

Thông điệp của Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2008

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đang nhanh chóng được mọi người biết đến một cách rộng rãi. Kể từ khi có Ngày này cách đây 8 năm,ngày càng có nhiều Chính phủ và các tổ chức quốc tế cùng tham gia với WIPO tổ chức các hoạt động kỷ niệm vào ngày 26 tháng 4 hằng năm.Mọi người có thể thắc mắc: điều gì khiến cho sở hữu trí tuệ thu hút được sự quan tâm như vậy.

Họ có thể tự hỏi rằng các công trình là đối tượng của quyền tác giả,các sáng chế,kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu có ý nghĩa như thế nào đối với các vấn đề cấp thiết như: làm thế nào để ngăn chặn sự nóng lên của trái đất; hoặc các vấn đề làm tăng hương vị cho cuộc sống như xem các môn thể thao yêu thích tại đấu trường Ô-lim-pic năm nay? Câu trả lời là nếu không có quyền sở hữu trí tuệ,hàng loạt công nghệ mới để giải quyết các vấn đề toàn cầu có thể không bao giờ được tạo ra,và do đó,các sự kiện thể thao trọng đại khiến cho chúng ta hào hứng và đoàn kết sẽ không được phát sóng đến mọi nhà trên phạm vi toàn cầu.Trong Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới,chúng ta không chỉ tôn vinh sự sáng tạo vĩ đại của nhân loại mà còn tôn vinh cả việc quyền sở hữu trí tuệ đã giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy sự sáng tạo,làm cho nó trở thành động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế,văn hóa và xã hội.Sự khéo léo của con người đã đưa chúng ta từ sáng chế ra chiếc bánh xe đầu tiên đến những chuyến bay hết sức thoải mái và đến thế hệ mới nhất của công nghệ nhiên liệu sạch. Nó cũng đã giúp chúng ta từ việc sáng tạo các hình vẽ trên tường trong hang động,đến các ấn phẩm và tiếp đến là Internet - điều kỳ diệu đã đặt thế giới dưới mười đầu ngón tay của chúng ta. Sự khéo léo đã mang lại cho chúng ta sự tiến bộ kỹ thuật,cho phép vận động viên ngày càng nhảy cao hơn,cầu thủ bóng đá sút ngày càng xa hơn và hàng triệu người có sức khỏe tốt hơn,những điều mà chỉ cách đây vài thế hệ,chúng ta không thể tưởng tượng ra được. WIPO cam kết sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ nhằm khai thác và làm tăng sức sáng tạo và đổi mới của con người để người dân của các nước,các cộng đồng có thể chia sẻ thành quả sáng tạo của mình.

Và vì vậy,vào Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới,chúng ta hãy bày tỏ sự kính trọng đối với các nhà sáng chế và các nghệ sỹ,cả những người đóng góp nhiều cũng như ít,bởi họ đã làm giàu cuộc sống của chúng ta với những trái ngọt ý tưởng đổi mới và tư duy sáng tạo của họ. Và chúng ta cần ghi nhớ là tại sao các quyền sở hữu trí tuệ của họ,các quyền mà họ đã có được bằng trí tuệ tập thể và tài năng cá nhân,lại xứng đáng với sự cảm phục,sự bảo vệ và sự tôn trọng của chúng ta.